Theo các chuyên gia, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ cao nước ngoài có thể thúc đẩy làn sóng đầu tư vào Việt Nam, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Việt Nam không thể tự phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, AI mà cần hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước”, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phát biểu tại buổi họp báo công bố Hội nghị quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn 2025 (AISC 2025) diễn ra chiều 24/2 tại Hà Nội.
Theo ông Huy, để phát triển công nghệ cao trong nước, một mô hình đã chứng minh hiệu quả là cử người Việt ra nước ngoài học tập và tích lũy kinh nghiệm, sau đó trở về quê hương để khởi nghiệp hoặc đóng góp. Bên cạnh đó, việc thu hút các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài cũng mang lại nhiều giá trị gia tăng khác.
“Khi các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ kéo theo chuỗi cung ứng của mình, tạo nên làn sóng đầu tư và sản xuất tại nước ta,” ông Huy nhấn mạnh. “Đây chính là cơ hội quý giá để doanh nghiệp, người lao động và chuyên gia trong nước được tiếp cận công nghệ mới, nâng cao năng lực và tăng cường kỹ năng về AI cùng bán dẫn thông qua những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới.”
Theo Giám đốc NIC, với tiềm năng hiện có, việc thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài sẽ đóng vai trò quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số mà Việt Nam đã đề ra.
Trước đó, trong khuôn khổ Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam toàn cầu AGIC 2025 diễn ra từ ngày 20-22/2 tại Singapore, Giáo sư Nguyễn Đức Khương – Chủ tịch tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) đã nhấn mạnh rằng trong bối cảnh công nghệ đang biến đổi với tốc độ nhanh chóng, “việc kết nối và hội tụ trí tuệ tập thể trở nên vô cùng cần thiết để tạo ra sức mạnh chung, cùng nhau sáng tạo những giá trị mới cho Việt Nam”.
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra nhiệm vụ tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó chú trọng thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với các quốc gia có trình độ tiên tiến, nhằm nâng cao năng lực và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; đồng thời xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại sự kiện ở Singapore, Tiến sĩ Lê Quang Đạm – CEO công ty bán dẫn Marvell Technology Việt Nam, nhấn mạnh đây là cơ hội “trăm năm có một” cho ngành bán dẫn Việt Nam phát triển. Theo ông, sự phát triển này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa “chính sách của Chính phủ, chương trình đào tạo của các trường đại học cùng sự đồng lòng, cam kết từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước”.
“Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng. Cơ hội này không tự nhiên mà có, chúng ta phải chủ động tạo ra,” ông Đạm khẳng định. “Với chiến lược rõ ràng, sự quan tâm từ Chính phủ, cùng sự đoàn kết của các kỹ sư người Việt, gốc Việt và nhân tài trong và ngoài ngành, chúng ta có thể cùng nhau tạo nên những giá trị to lớn cho đất nước.”
Đồng tổ chức sự kiện AISC 2025 diễn ra vào tháng 3 tới, ông Christopher Nguyễn – nhà sáng lập Aitomatic – nhìn nhận rằng hợp tác quốc tế có thể phải mất từ 5-10 năm, thậm chí 20 năm mới thấy được giá trị rõ rệt, song việc thúc đẩy triển khai vẫn là điều cần thiết.
Theo quan điểm của ông, một nền kinh tế phát triển cũng tương tự như con đường phát triển của một con người, trải qua ba giai đoạn chính. Giai đoạn đầu là làm công với chi phí thấp; giai đoạn tiếp theo là trở thành nhân sự lành nghề với mức lương tương xứng với năng lực; và cuối cùng là giai đoạn tự làm chủ. Ông nhận định Việt Nam hiện đang ở giai đoạn thứ hai. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đóng vai trò như cầu nối đưa các giá trị Việt Nam ra với thế giới.
“Việc hợp tác quốc tế trong giai đoạn hiện nay có thể tạo điều kiện cho Việt Nam trực tiếp đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu mà không cần thông qua trung gian, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu,” ông Christopher Nguyễn kết luận.
Hải Hà