Ứng dụng AI vào công việc giúp nhân viên tiết kiệm được 50% thời gian làm việc.
Đón mùa lễ hội với lịch làm việc dày đặc tại Warner Bros. Discovery, Abigail Carlos – nữ chiến lược gia truyền thông 26 tuổi – đã tìm ra cách vượt qua áp lực công việc nhờ công nghệ AI. Với vai trò điều phối nhân sự, cô kết hợp giữa quản lý trực tiếp và tham vấn các công cụ AI như ChatGPT và Perplexity để xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả.
“AI giúp tôi cắt giảm một nửa khối lượng công việc, từ đó tạo ra không gian làm việc cân bằng và hiệu quả hơn”, Carlos chia sẻ. Trong nhiều năm qua, cô đã tích hợp đa dạng công cụ AI vào quy trình làm việc: từ quản lý mạng xã hội, soạn thảo email, xử lý bảng tính cho đến việc tối ưu hóa hồ sơ LinkedIn và thậm chí là sáng tác thơ.
Tương tự, Monique Buksh – nữ trợ lý pháp lý kiêm sinh viên luật 22 tuổi tại Australia – đã khám phá ra tiềm năng của AI trong lĩnh vực luật. Cô sử dụng các nền tảng chuyên biệt như Westlaw Edge và Lexis để nghiên cứu án lệ, kết hợp Grammarly cho việc soạn thảo văn bản, và trợ lý AI Claude để rà soát tính nhất quán trong hợp đồng.
“Khi AI đảm nhận các công việc thủ công, tôi có thêm thời gian để thảo luận chiến lược và phát triển chuyên môn cùng cấp trên”, Buksh nói. Việc ứng dụng AI không chỉ giúp cô tiết kiệm thời gian mà còn tạo cơ hội trau dồi kỹ năng mới và phát triển tư duy phản biện sâu sắc hơn.
Thế hệ Z – những người sinh từ năm 1997 đến 2012 – đang định hình lại văn hóa làm việc thông qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Họ không chỉ sử dụng AI để tối ưu hóa thời gian và cân bằng cuộc sống, mà còn chuyển giao các công việc lặp lại cho máy móc để tập trung vào những nhiệm vụ mang lại giá trị cao hơn.
Theo khảo sát mới nhất của Google với hơn 1.000 lao động tri thức độ tuổi 20-30, có tới 93% Gen Z sử dụng ít nhất hai công cụ AI hàng tuần. Công ty nhân sự Randstad cũng ghi nhận Gen Z dẫn đầu trong việc ứng dụng AI vào công việc so với các thế hệ khác, từ quản lý hành chính đến xử lý tình huống phức tạp.
“Gen Z lớn lên trong kỷ nguyên số, việc sử dụng AI với họ là bản năng tự nhiên hơn là một lựa chọn có chủ đích”, Deborah Golden, giám đốc đổi mới sáng tạo của Deloitte Mỹ nhận định.
Khi Gen Z vượt qua thế hệ Baby Boomer (1946-1964) về số lượng và dự kiến chiếm trên 25% lực lượng lao động toàn cầu trong năm nay, sự chuyển mình của họ thành “thế hệ chatbot” hứa hẹn mang đến những thay đổi sâu sắc cho thị trường lao động. Trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng đẩy mạnh ứng dụng AI để tăng năng suất, khả năng làm chủ công nghệ này trở thành yêu cầu thiết yếu, tạo áp lực cho những người chậm thích ứng.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là thách thức khi AI đang làm thay đổi bản đồ việc làm. Một báo cáo cuối năm 2024 cho thấy hơn 12.000 vị trí đã bị cắt giảm do tác động của AI. Các nghiên cứu, bao gồm dự báo từ McKinsey, cảnh báo những công việc mới vào nghề – thường do Gen Z đảm nhiệm – sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên từ làn sóng tự động hóa. Điều này thúc đẩy người trẻ không ngừng nâng cao kỹ năng để duy trì lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng.
AI mở ra nhiều cơ hội mới cho người lao động. Theo khảo sát của Microsoft và LinkedIn với 31.000 nhân viên, 71% nhà tuyển dụng ưu tiên ứng viên có kỹ năng sử dụng AI hơn những người chỉ có kinh nghiệm truyền thống. Đồng thời, gần 80% lãnh đạo doanh nghiệp sẵn sàng giao thêm trách nhiệm cho nhân viên thành thạo AI.
Tatiana Becker, chuyên gia tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ, cho biết các công ty không chỉ tập trung vào Gen Z mà còn tìm kiếm ứng viên ở mọi cấp độ có khả năng tận dụng AI hiệu quả.
Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại rằng việc lạm dụng AI có thể gây tác động tiêu cực về lâu dài. Khảo sát của TalentLMS cho thấy 40% Gen Z thừa nhận AI khiến họ mất đi cơ hội học hỏi từ công việc thực tế. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng sự phụ thuộc vào AI có thể làm giảm khả năng tư duy phản biện, đặc biệt ở thế hệ trẻ.
Khảo sát của Workplace Intelligence và INTOO cho thấy gần một nửa Gen Z thích tham khảo ý kiến từ AI hơn là cấp trên.
Theo Erica Keswin, tác giả và chiến lược gia nơi làm việc tại Mỹ, nhiều nhân viên trẻ không có cơ hội nhận hướng dẫn trực tiếp trong suốt đại dịch. “Họ cảm thấy không thoải mái khi trao đổi với cấp trên và tìm đến AI để giải đáp thắc mắc”, Keswin cho biết. “Công cụ này có thể đưa ra câu trả lời ngay lập tức, điều mà không phải quản lý nào cũng làm được”.
Tuy nhiên, Deborah Golden, Giám đốc đổi mới sáng tạo tại Deloitte, nhấn mạnh rằng sự tương tác trực tiếp giữa con người với nhau là chìa khóa để thúc đẩy hợp tác và đổi mới. Việc phụ thuộc quá nhiều vào AI có thể làm suy giảm khả năng linh hoạt cũng như các kỹ năng giao tiếp quan trọng trong môi trường làm việc.
Bà khuyến nghị cả nhân viên và doanh nghiệp cần cân nhắc khi nào nên sử dụng AI và khi nào nên có sự can thiệp của con người. “Người thành công là người biết tận dụng AI một cách hiệu quả mà không trở nên phụ thuộc vào nó”, bà Golden chia sẻ.
Hà My (Theo Insider)