Một lần bí ý tưởng, Anh Dũng (TP HCM) thử hỏi ChatGPT và được “giải cứu”, khiến anh ngày càng phụ thuộc vào chatbot này.
“Trước tôi chỉ nghe về chatbot AI qua báo chí, mạng xã hội chứ không có ý định sử dụng”, anh Dũng, một nhà sáng tạo nội dung tại TP HCM, cho biết. “Còn hiện tôi thường xuyên sử dụng AI để gợi mở ý tưởng, tạo hình ảnh, video ngắn hoặc lên kịch bản cho một số bài viết”.
Đinh Long, một lập trình viên ở Đà Nẵng, cũng cho biết: “70% công việc của tôi đang được hỗ trợ bởi các công cụ AI chuyên biệt, chủ yếu soạn thảo câu lệnh hay ‘nhờ’ chatbot đưa ra ý tưởng mới, giúp tôi hoàn thành dự án nhanh hơn nửa thời gian so với trước”, anh Long kể và cho biết được cấp trên ủng hộ.
Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm sử dụng AI cho công việc cũng được lập ra. Anh Bằng, quản trị viên một nhóm liên quan đến ChatGPT với 122.000 thành viên, cho biết mỗi ngày nhóm nhận được 10-15 bài hỏi đáp về vấn đề đang gặp hoặc cách tối ưu hóa trải nghiệm. Vũ Thiên, quản trị viên một nhóm liên quan đến công cụ tạo video như Midjourney với hơn 50.000 thành viên, cũng cho biết nhóm hoạt động sôi nổi kể từ khi thành lập đầu năm nay.
Theo thống kê mới của nền tảng tuyển dụng TopCV dựa trên 300.000 tin tuyển dụng và khảo sát gần 3.000 doanh nghiệp, có 82,6% người lao động không thuộc nhóm công nghệ thông tin (Non-IT) nói đang sử dụng AI trong công việc. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm công nghệ thông tin (IT) như lập trình viên, kỹ sư phần mềm… lên tới 93,49%.